Phải nhìn vào bản chất hình thành giá xăng dầu.

 10:09 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Mười Một, 2012

Quản lý, điều hành, giá xăng dầu… là những vấn đề “nóng” tại Quốc hội. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội, đa số cách nhìn nhận về giá hay kinh doanh xăng dầu vẫn chưa đầy đủ và chính xác.

CôngThương- Thưa ông, nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc về việc điều hành giá xăng dầu. Ý kiến của ông thế nào?

- Phải nhìn giá xăng dầu trong nước một cách tổng thể chứ đừng nhìn hiện tượng giá thay đổi rồi nhận xét là không thể hiểu được. Phải nhìn vào bản chất hình thành giá xăng dầu. Bất cứ quốc gia nào phụ thuộc vào nguồn xăng dầu nhập khẩu cũng thường tính giá xăng dầu nội địa bao gồm nhiều loại thuế và phí. Vì thế, các đại biểu Quốc hội khi phát biểu trước người dân phải có trách nhiệm với chính phát biểu của mình. Chẳng hạn nói không ở đâu giá xăng dầu phải chịu nhiều thuế, phí như Việt Nam là không đúng. Ở các nước ODCE và đặc biệt là ở Tây Âu, họ đánh thuế bảo vệ môi trường trên giá xăng còn cao hơn ở Việt Nam rất nhiều.

Ở đây, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm giải thích cho người dân và dư luận hiểu rõ về giá xăng dầu.

Vấn đề quan trọng nhất là việc điều chỉnh giá xăng dầu có phù hợp với quy luật, diễn biến của thế giới hay không. Khi người ta nói, giá xăng trong nước “nhảy múa” thì cần phải xem giá thế giới có “nhảy múa” hay không. Còn giá lỗi nhịp hay không lại là chuyện khác. Lỗi nhịp là do Nghị định 84/2009/NĐ-CP quy định thời gian điều chỉnh là 30 ngày thì chúng ta có quyền điều chỉnh  như vậy.                                                                                                                                                                                  

* Vậy phải chăng những quy định trong quản lý thị trường xăng dầu thời gian qua có vấn đề?                                                  

- Quản lý hành chính Nhà nước đôi khi không phản ứng kịp với thị trường. Điều hành giá xăng dầu cũng như vậy. Khi giá xăng dầu chậm điều chỉnh thì cần xem xét là chậm đều không hay lại nhanh ở đoạn này và chậm ở đoạn kia. Đấy mới là vấn đề cần trao đổi. Mỗi quy định đưa ra cần phù hợp và phải điều chỉnh theo thị trường, cần tôn trọng quy luật của thị trường chứ không nên chỉ áp theo mệnh lệnh hành chính.

Cần làm rõ quan điểm ổn định giá xăng dầu là có đúng hay không. Nếu nó không đúng thì cũng bỏ quan điểm đó. Vì thực tế là có những thời điểm giá thế giới biến động rất mạnh, ta dùng quỹ bình ổn giá vẫn giữ giá xăng dầu thì không ai nói. Những lúc như vậy thì dư luận không hiểu được những cố gắng của Chính phủ. Trong khi giá tăng lên một chút thì phản ứng lại tiêu cực.

* Có ý kiến cho rằng, giá xăng dầu phải phản ứng theo thị trường nhưng cần xem xét xem người dân có chịu được không. Có thời điểm, giá xăng dầu biến động rất mạnh tăng tới trên 11 USD/thùng thì liệu giá trong nước tăng tới như vậy thì người dân và nền kinh tế có chịu được không?

- Thường giá xăng dầu tăng là các doanh nghiệp kêu làm phá vỡ kế hoạch tài chính của họ. Mâu thuẫn hiện nay từ phía doanh nghiệp cũng như phía dư luận, là vừa muốn giá xăng dầu theo thị trường nhưng lại vừa muốn có sự bình ổn giá xăng dầu để không bị động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.

* Ông có cho rằng, với việc các doanh nghiệp xăng dầu lớn đang nắm thị phần lớn thì cần phá vỡ thế độc quyền hiện nay của thị trường xăng dầu?

Nếu là độc quyền xăng dầu thì chỉ có 1 DN bán hàng nhưng ở đây là có tới 13 DN. Trong vòng 2 năm thực hiện Nghị định 84, từ chỗ chỉ có 9 DN đầu mối, thị trường xăng dầu có thêm 4 DN thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia, như vậy có nghĩa là chúng ta đã rất chủ động trọng việc phá vỡ cái gọi là thế độc quyền.

Vấn đề với thị trường xăng dầu không phải là độc quyền hay không độc quyền mà là sự phối hợp giữa người tiêu dùng với quản lý nhà nước chưa đúng. Cơ quan quản lý nhà nước phải công bố rõ tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu. Tại các cây xăng thì nên có biển thông báo địa chỉ liên hệ với thanh tra khoa học công nghệ và quản lý thị trường để người tiêu dùng thấy rằng, nếu anh bơm xăng thiếu, ghim hàng không bán để người tiêu dùng có thể liên hệ khi bị vi phạm. Người dân phải có trách nhiệm bảo vệ mình và Nhà nước phải có trách nhiệm công khai cơ chế giám sát.

Petrolimex hay Viễn thông sinh ra từ thời kế hoạch hóa nên là độc quyền tự nhiên. Hiện nay các doanh nghiệp này đang tiến hành cổ phần hóa thì tất nhiên họ phải được hưởng những lợi thế sẵn có, chứ không phải họ làm như vậy để cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, việc phá vỡ thế độc quyền đang được điều chỉnh theo thị trường nhưng với thị trường xăng dầu, cần phải xem xét mở cửa thị trường xăng dầu thì ai được lợi. Thị trường bán lẻ xăng dầu rất quan trọng vì liên quan đến người dân.

* Một vấn đề khiến dư luận bức xúc là Petrolimex lỗ nhưng lương lại cao, xin ông cho ý kiến về vấn đề này?

Lương và lỗ là hai vấn đề khác nhau. Bản thân hai từ đó khi phát âm lên cũng khác nhau. Lương thì phải nhìn theo góc độ của Luật Lao động. Tôi là cán bộ Petrolimex, tôi đi làm cho Petrolimex là theo hợp đồng và phải được trả lương, chứ không cần biết ông lỗ hay lãi. Lỗ lãi là chủ đầu tư phải chịu chứ không phải cứ lỗ là phải giảm lương. Người lao động không cần biết Petrolimex là DN của Nhà nước hay DN gì mà chỉ biết ký hợp đồng là 8 triệu, quy định làm ở điều kiện độc hại thì thêm 25% nữa. Cứ bán đủ ngày giờ là phải trả lương. Việc DN lỗ là việc của chủ sở hữu chứ không phải của người lao động.

* Tuy nhiên mức lương của Công ty mẹ lại lên tới mấy chục triệu?

Cần biết người lao động của Petrolimex phải làm bao nhiêu chục năm mới lên được văn phòng tập đoàn. Chứ có phải vừa ra trường là được vào tập đoàn để nhận lương vài chục triệu đâu. Để có mức lương đó là cả một quá trình phấn đấu từ một cô bơm xăng rồi trưởng quầy rồi mới lên vị trí lãnh đạo. Sao không nhìn thấy quá trình phấn đấu, đóng góp của người ta mà cứ nhìn vào cái người ta được hưởng bây giờ. Với năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cao như nhân lực của Petrolimex mà làm việc ở các DN liên doanh với nước ngoài được trả lương bao nhiêu? Như lương con trai tôi cao hơn tôi 14 lần. Đấy là một biểu hiện của sự ghen ghét.

Thực tế, các tập đoàn lớn cũng đang giảm lương do lỗ. Có nhiều tập đoàn không đủ doanh thu phải giảm lương khá lớn, đến 40% lương. Như lương Petrolimex, hay Tập đoàn Dầu khí cũng bị giảm tới 20% lương.

* Xin cảm ơn ông!





Nguồn:  Thu Hương- Thanh Hương.
Báo Công Thương.