Theo báo cáo tài chính quý IV/2017 của công ty Mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tổng số nộp ngân sách năm 2017 của tập đoàn là 38.363 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2016
Lĩnh vực vận tải viễn dương đem lại lợi nhuận không nhỏ cho Petrolimex
Bên cạnh đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: Xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm... đạt 155.651 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân năm 2017 là 50,85USD/thùng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 4.877 tỷ đồng, tương đương 104,2% kế hoạch và bằng 77% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn tập đoàn đạt 2.492 tỷ đồng, tương đương 51% tổng lợi nhuận hợp nhất. Các lĩnh vực kinh doanh ngoài xăng dầu tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.385 tỷ đồng, tương đương 49% tổng lợi nhuận hợp nhất. Cụ thể, lĩnh vực hoá dầu, nhựa đường, hóa chất lợi nhuận 651 tỷ đồng; kinh doanh gas (202 tỷ đồng); vận tải viễn dương, vận tải đường sông, vận tải bộ (339 tỷ đồng); nhiên liệu hàng không (384 tỷ đồng); bảo hiểm, ngân hàng (189 tỷ đồng)...
Quý I/2018, Petrolimex tiếp tục triển khai quyết liệt việc kinh doanh sản phẩm xăng E5 RON 92 theo Quyết định 53/2012/QĐ-TTg, Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô, xe mô tô hai bánh sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới; tổ chức đánh giá và áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro, KPI… nâng cao suất lao động và hiệu quả kinh doanh; đẩy mạnh công tác tái cấu trúc theo Quyết định 828/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.